PTMJSC

Văn hóa cúi chào - Nét đặc trưng của người Nhật

Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với nền văn hóa coi trọng lễ nghĩa và nghi thức. Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật Bản đã được cha mẹ dạy về văn hóa cúi chào - một nét văn hóa đặc trưng của người Nhật.

Nếu như ở phương Tây, người ta thường sử dụng cái bắt tay hay cái ôm khi gặp mặt thì trong văn hóa Nhật Bản họ lại rất kiêng việc này. Thay vào đó, hành động cúi gập người thay cho câu chào sẽ thể hiện sự tôn trọng với người đối diện. 

Văn hóa cúi chào được dùng trong rất nhiều tình huống như cúi chào khi gặp mặt, khi xin lỗi, khi tạm biệt, khi chúc mừng, khi thực hiện các nghi lễ thờ cúng,... Và chỉ một hành động nhưng có thể thể hiện rất nhiều cảm xúc khác nhau như tôn trọng, biết ơn, hối lỗi,..

Hành động cúi chào ở Nhật Bản được gọi là Ojigi. Ojigi bao gồm nhiều mức độ thể hiện sự trang trọng khác nhau tùy vào hoàn cảnh, địa vị và giới tính từ một cái gật đầu cho đến tư thế cúi người 45 độ. 

3 kiểu cúi chào của nguời Nhật

Cúi chào 15 độ - Eshaku

Đây là kiểu cúi chào phổ biến nhất, thường áp dụng trong giao tiếp hàng ngày với những người địa vị, độ tuổi tương tự mình như bạn bè, đồng nghiệp,... Kiểu chào này là đơn giản nhất, bạn chỉ cần cúi nhẹ đầu khoảng 15 độ trong 1-2 giây, hai tay khép nhẹ bên hông.

Cúi chào kiểu Keirei

Keirei là kiểu cúi đầu thể hiện sự trang trọng mức độ cao hơn so với Eshaku, thường dùng để chào hỏi cấp trên, người lớn tuổi hơn hoặc các đối tác, khách hàng,... Kiểu chào này yêu cầu cúi thấp từ 30 - 35 độ trong 2-3 giây khi đứng. Nếu đang ngồi, bạn phải úp tay xuống mặt đất cách nhau 10-20 cm, cúi đầu cách sàn khoảng 10-15cm.

Cúi chào kiểu Sai-keirei 

Đây là kiểu chào thể hiện sự tôn trọng cao nhất thường dùng để tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đối với các bậc bề trên, các đấng sinh thành, đấng tối cao thiêng liêng như Phật, Thần,... Ở kiểu chào này, người Nhật sẽ cúi rất thấp khoảng 45 - 60 độ và giữ nguyên tư thế đó trong ít nhất 3 giây.

Khi chào, ngoài việc cúi đầu theo mức độ thì tư thế chào như thế nào cũng rất đáng lưu ý. Hãy xem tư thế chuẩn khi chào của nam và nữ khác nhau như thế nào nhé.

Nam giới: Khi chào hai bàn tay duỗi thẳng, ngón tay khép, hai cánh tay khép nhẹ sát sườn và cúi xuống.


Nữ giới: Hai bàn tay duỗi thẳng, đặt phía trước sát người tạo thành hình chữ V. Bàn tay phải đặt trên bàn tay trái, các ngón tay duỗi thẳng, khép lại và từ từ cúi chào.

Có thể thấy, khi cúi đầu càng thấp thì càng thể hiện sự tôn trọng, lịch sự mà bạn dành cho người đối diện. Chào hỏi là một hành động thể hiện sự lịch sự khi gặp mặt mà bất kì quốc gia nào đều đề cao, nhưng ở Nhật văn hóa cúi chào, chào hỏi rất được coi trọng và là một yếu tố đánh giá người đối diện ngay từ lần gặp đầu tiên.